Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, với nhiều tiện nghi phục vụ sinh hoạt trong gia đình, CCB Khmer Lâm Thời, nhờ vợ làm mấy ly nước tiếp khách, rồi hồ hởi kể về cuộc đời quân nhân ở nước bạn Campuchia. Năm 1986, anh thanh niên Khmer theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lên đường nhập ngũ và được đưa sang chiến trường Campuchia. Sau 04 năm giúp nước bạn khôi phục lại đất nước, anh Thời cùng Quân đội tình nguyện Việt Nam được lệnh rút quân về nước, sau khi về quê hương thì anh xuất ngũ. Đối với đồng bào Khmer, khi người thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ đối với Tổ quốc, thì bắt đầu thực hiện nghĩa vụ của một người con đối với gia đình (lấy vợ - sinh con). Năm 1991, anh Thời lập gia đình và được cha mẹ chia cho 02 công đất ruộng để mưu sinh. Thuở đầu lập nghiệp với hai bàn tay trắng, vợ bắt cá, hái rau, chồng làm thuê, làm mướn đủ nghề, tích lũy từng đồng su, lon gạo, để dựng lên một căn nhà lá ở tạm. Tháng năm cứ trôi đi, và rất đều đặn (cứ 02 năm một lần) căn nhà lá nhỏ của anh Thời lại đón thêm thành viên mới. Đến năm 1995, cuộc sống quá khốn khó, vợ ở nhà nuôi dạy hai đứa con nhỏ, một mình anh suốt ngày đi cắt, gom, vác lúa thuê, chiều tối về tranh thủ đi kiếm bắt cá để cải thiện bữa ăn, có buổi bắt được nhiều, kêu vợ đem ra chợ bán, hay đổi gạo. Hoàn cảnh tuy không đến nỗi đói, nhưng cuộc sống chưa cải thiện là bao. Do được tôi luyện nhiều trong quân đội, nên anh Thời không hề nản lòng, dù trời có mưa gió, bão bùng, mọi người trong khu này vẫn thấy anh Thời luôn miệt mài nơi đồng ruộng. Anh Thời kể lại: “Vào năm 1995, thấy gia đình tôi khó khăn, không đất đai, không vốn liếng, chính quyền địa phương xét cấp cho một con heo sinh sản (heo nái). Cũng nhờ nuôi heo nái, nên gia đình tôi mới có ngày hôm nay”.
Chú thích ảnh: CCB Lâm Thời đứng trước căn nhà khá khang trang của mình.
Ông Lý Hùng, Chi hội trưởng, chi hội CCB ấp Ko Kô thông tin thêm: “Thấy hai vợ chồng nghèo, nhưng chí thú làm ăn, không có vốn, chúng tôi đề nghị chi bộ và ban nhân dân ấp, xét cho gia đình anh Lâm Thời vay với số tiền 01 triệu đồng để xây chuồng nuôi heo, anh Thời là một người thật thà, cù cần, chịu khó, chỉ vài ba năm nuôi heo, gia đình anh Thời đã dần ổn định, có điều kiện nuôi 04 đứa con ăn học nên người”. Anh Thời chia sẻ thêm: “Sau thời gian 3 – 4 năm nuôi heo, gia đình giữ được 04 con heo nái, mỗi năm xuất chuồng 02 lần (mỗi lần từ 3 – 4 tấn heo hơi). Do lấy công làm lời, vợ con lúc rảnh, thì đi kiếm rau muống, vớt lục bình, vết chuối cho heo ăn phụ, buổi chiều đi xin thêm cơm, canh thừa của hàng xóm cho heo ăn. Nhờ tự tạo được nguồn con giống, tận dụng tối đa thức ăn phụ phẩm … dù heo có rớt giá đến mấy, nhà tôi vẫn còn lời chút đỉnh, cố gắng duy trì bầy heo nái cho đến nay”. Gia đình anh Lâm Thời, không chỉ khéo nuôi heo, mà anh còn xây dựng cho mình một mô hình đa dạng. Để bảo vệ môi trường trong chăn nuôi heo, anh Thời đào ao lên liếp trồng dừa và chuối, dưới ao rộng hơn 400m2, anh nuôi từ 50 – 60 kg cá trê (để xử lý chất thải của heo), bắt nuôi từ 300 – 400 vịt xiêm pháp, trên 40 con giống gà Hơ Mong … bình quân mỗi năm cho thu nhập thấp nhất cũng trên 100 triệu đồng. Anh Thời chia sẻ: “Nhờ tìm tòi học hỏi trên sách báo, thường xuyên xem đài, nhất là chịu khó tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt … đưa vào áp dụng thực tiễn, từ từ mới thành công được. Điển hình như trong chăn nuôi vịt xiêm pháp và gà Hơ Mong, nhờ mạng internet hướng dẫn cách tận dụng và phối trộn các phụ phẩm nông nghiệp cho gà vịt ăn, nhằm giảm chi phí. Hiện nay, cứ 03 tháng tôi xuất bán vài tấn cá trê, 5 – 6 chục con gà giống, 300 – 350 con vịt, mỗi lứa gà, vịt gia đình tôi thu lợi nhuận trên 20 triệu đồng”. “Nuôi vịt xiêm pháp và gà Hơ Mong không khó, tuy nhiên muốn nuôi thành công người chăn nuôi phải chọn mua con giống ở những nơi có uy tín, đồng thời tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ cho gà, vịt, nước uống cho gà, vịt đảm bảo sạch, khi gà, vịt đang trong giai đoạn úm cần đảm bảo chuồng nuôi đủ ấm, nếu không tỷ lệ hao hụt giai đoạn đầu sẽ cao”. Anh Thời chia sẻ thêm.
Bằng nghị lực và ý chí của “người lính Cụ Hồ” Cựu chiến binh Lâm Thời đã mạnh dạn đầu tư mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm cho doanh thu đạt hàng trăm triệu đồng/năm. Đầu năm 2019 gia đình anh Thời đã xây dựng cho mình một căn nhà khá khang trang, trị giá 350 triệu đồng, 04 người con của anh đã khôn lớn và tìm được việc làm ổn định, mỗi tháng còn hỗ trợ tiền điện, nước, từ 5 – 7 triệu đồng. Nói về nghị lực vượt khó của một CCB Khmer nghèo, ông Lý Hùng, Chi hội trưởng, chị hội CCB ấp Ko Kô nhận xét: “Với ý chí, bản lĩnh, khát khao quyết tâm làm giàu ngay trên chính quê hương mình, CCB Lâm Thời đã vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo và trở thành một trong những tấm gương điển hình trong phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế ở địa phương”.
Đồng chí Kim Sai, Bí thư chi bộ ấp, đánh giá: “Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Lâm Thời còn rất nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, con giống, thuốc thú y và tiền vốn cho một số gia đình và hội viên CCB trong ấp, giúp họ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mình, anh Thời là một người hiền lành, chất phát, hay giúp đỡ mọi người, nên luôn được bà con trong xóm thương mến, đồng đội quý trọng, anh Thời xứng danh là “Người lính Cụ Hồ” trong thời đại mới”.
Bài và ảnh: Sóc Ca.